Quỹ HTND Kiên Giang: Kênh vốn tín dụng phát huy hiệu quả
16:18 - 28/09/2017
(Quỹ HTND) – Những năm qua, xác định vai trò quan trọng của đồng vốn chính sách, tín dụng đối với các hộ nghèo tại địa phương, Hội ND các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp nhận ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn. Các bên cũng quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện tốt các hoạt động tín dụng, chính sách xã hội.

Các cấp Hội phối hợp tốt với nhiều ngân hàng trên địa bàn để tạo nguồn lực về vốn giúp hội viên, nông dân chăn nuôi thoát nghèo
 
Theo đó, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn đã được bình xét công khai và cho vay trực tiếp đến đúng đối tượng thụ hưởng, được bà con sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; qua đó đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều lao động có việc làm ổn định.

 
Đến nay, các cấp Hội đang quản lý 1.430 Tổ TK&VV với 57.233 thành viên; tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 945,413 tỷ đồng. Số Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu lãi là 1.430 Tổ, tỷ lệ thu lãi bình quân đạt 95,3%, thu tiết kiệm hàng tháng bình quân 23,95%.

 
Qua việc phân loại, đánh giá định kỳ các Tổ TK&VV cho thấy chất lượng hoạt động khá cao. Cụ thể: 840 Tổ xếp loại Tốt (chiếm 59%); 421 Tổ xếp loại Khá (chiếm 29%); 77 Tổ xếp loại Trung bình (chiếm 5%); còn 92 Tổ xếp loại yếu, kém (chiếm 6%).

 
Tỷ lệ Tổ TK&VV đã ký hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm vay vốn đều đạt 100%. Trong tổng số 1.428 Tổ TK&VV, với 44.505 tổ viên tham gia, số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện đạt 29,398 tỷ đồng (tỷ lệ 78%).

 
Song song với đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, các cấp Hội đã tích cực kiện toàn Ban chỉ đạo. Hội ND tỉnh đã ký xong Thỏa thuận liên ngành số 1100/TTHN-HND-NHNoKG ngày 23/12/2016 với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang để triển khai thực hiện. Hội ND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo xuống các huyện để sớm triển khai thực hiện nội dung này với chi nhánh ngân hàng cùng cấp.

 
Kết quả đến nay, có 10/15 huyện đã ký kết xong phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện; 15/141 Hội ND cấp xã ký Hợp đồng với Chi nhánh ngân hàng loại III trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng do ngân hàng ủy nhiệm (15 xã thuộc 2 huyện: An Biên và U Minh Thượng).

 
Tổng dư nợ đối với các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tính đến nay là 8.416 tỷ đồng, chiếm 82%/ tổng dư nợ. Trong đó, tổng dư nợ cho vay qua hệ thống 536 Tổ vay vốn do Hội ND quản lý đạt 202 tỷ đồng (tăng 8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016), với 4.826 thành viên tham gia.

 
Có được những kết quả như trên là nhờ các Tổ vay vốn đã thực hiện tốt trách nhiệm đã ký với Ngân hàng như: Nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân; căn cứ theo các nhu cầu vay vốn của tổ viên để lập danh sách đề nghị Ngân hàng cho vay; phối hợp với cán bộ tín dụng ngân hàng giải ngân vốn vay, kiểm tra giám sát, đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn; phản ánh kịp thời các thông tin của tổ viên vay vốn sau khi vay...

 
Các cấp Hội đã phối hợp tốt với các ngân hàng, với chính quyền địa phương trong việc triển khai cho vay kịp thời đối với các nguồn vốn mới được giao cũng như nguồn vốn thu hồi và quay vòng. Bên cạnh đó, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách luôn được Hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt; một số nơi có tỷ lệ thu lãi, tổ viên tham gia gửi tiết kiệm cao; thường xuyên kiện toàn, củng cố Tổ TK&VV, giảm các tổ có quy mô nhỏ lẻ hoạt động yếu kém...

 
Ngoài ra, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh cũng tham mưu cho Ban Thường vụ ký chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh tại văn bản số 05-CTPH/HND-NHNN ngày 15/04/2016 về việc thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016- 2020. Qua đó, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân được vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế trang trại nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 
Song song với việc hỗ trợ về nguồn vốn, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng và trực tiếp tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân về: Giống, phân bón, tập huấn chuyển giao KTKT về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản… cho hội viên, nông dân. Tỉnh Hội cũng đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để tổ chức tập huấn lồng ghép nghiệp vụ về Quỹ HTND cùng với chương trình phối hợp công tác với 2 ngân hàng; tổ chức đi thăm quan, học tập kinh nghiệm những mô hình điển hình trong và ngoài tỉnh để từ đó có hướng nhân rộng.

 
Để hoạt động ủy thác giữa Hội với các Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo nguồn vốn được bảo toàn và phát triển, công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cấp Hội quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Tỉnh Hội đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra ngay từ đầu năm, trong đó có nội dung kiểm tra chuyên đề Quỹ HTND và hoạt động phối hợp với hai ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo Ban điều hành Quỹ HTND xây dựng kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ HTND và hai ngân hàng năm 2017 đối với 100% các huyện, thành phố.

 
Thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo các chương trình, kế hoạch xây dựng cụ thể. Trong đó, chú trọng tới việc kiểm tra trước và sau khi cho vay để kịp thời phát hiện những sai sót như: Vay ké, sử dụng không đúng mục đích. Cán bộ Hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với cơ sở, gần dân, làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước để việc phối hợp giữa tổ chức Hội với các Ngân hàng ngày càng thêm gắn bó.

 

Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng